Trồng tre dụ cò về làm tổ

Thanh HóaThương đàn chim trời bị săn bắt, ông Mai Văn Quân thầu khu đầm hoang, thuê người trồng rừng làm nơi trú ngụ cho chúng.

Nhá nhem tối mỗi ngày, ông Quân, 60 tuổi, lại dạo quanh khu vườn của gia đình ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, để thăm đàn cò đang chao nghiêng trên những bụi tre. Thói quen này được ông duy trì hơn 10 năm qua. “Tôi coi đàn chim trời như bạn. Ngày nào không nhìn thấy chúng bay lượn, không được nghe tiếng ríu rít là thấy thiếu vắng, ăn không ngon miệng…”, ông Quân tâm sự.

Từ nhỏ, ông Quân đã rất yêu thích các loài chim. Nhiều lần chứng kiến đàn chim hoang dã bị thợ săn giăng lưới hoặc bắn hạ mang đi bán thịt, ông bảo “rất xót xa, cần có hành động”. Trong một lần về Hà Ngọc, thấy giữa cánh đồng hoang vu có nhiều loài cò bợ thường bay về trú ngụ, ông nảy sinh ý định biến nơi đây thành ngôi nhà cho lũ chim hoang đến ở.

Cò đậu chi chít trên rặng tre mỗi buổi tối mùa đông. Ảnh: Lê Hoàng

Cò đậu trên rặng tre mỗi buổi tối mùa đông. Ảnh: Lê Hoàng

Năm 2004, gia đình ông Quân nhận thầu khu đầm lầy 8 ha tại xã Hà Ngọc. Lúc đó cả vùng như bãi đất chết, chỉ có lau sậy mọc hoang, ít dấu chân người qua lại. Ông thuê người trồng 50 bụi tre, đào đất đắp đường, xây tường rào bao quanh nhằm bảo vệ đàn cò thoát nạn săn bắn.

Tre mọc đến đâu, cò về trú ẩn đến đó. Đến năm 2014, được chính quyền giao thêm hơn 10 ha đất ở khu lân cận, ông Quân quy hoạch thành vùng chăn nuôi và trồng cây ăn quả, phần còn lại trồng tre, luồng cho cò trú ngụ.

“Nhiều người bảo tôi khùng, nhưng tôi cứ làm với tất cả đam mê…”, ông chủ vườn cò chia sẻ. Hiện số lượng cò làm tổ, sinh nở trong khu vườn của gia đình ông Quân lên tới hàng chục nghìn con. Ngoài các loài cò lửa, cò nhện còn có bồ nông, sáo sậu, bìm bịp…

Ông Mai Văn Quân. Ảnh: Lê Hoàng

Ông Mai Văn Quân. Ảnh: Lê Hoàng

“Mừng là mỗi năm cò về càng nhiều, chứng tỏ đất lành chim đậu. Mỗi lần vào ngắm đồi cò, tôi cảm thấy sức khỏe tốt hơn lên và cảm nhận rõ hơn sự nhỏ bé của mình trước thiên nhiên…”, ông Quân chia sẻ.

Từ khi gần gũi với vườn cò, ông Quân yêu cầu gia đình không được mua hay sử dụng thịt chim trời. Có lần vài người bạn mời ăn món thịt chim đặc sản, ông khước từ giận dữ vì “tưởng tượng như lũ chim của nhà đã bị bắn chết khi bay xa tổ kiếm ăn…”.

Để bảo vệ đàn chim, ông Quân còn thuê nhiều nhân công vừa chăm sóc cây trồng vừa canh chừng không cho người lạ săn bắn. Bà Bùi Thị Thắm, công nhân trong trang trại, cho hay hàng ngày đi kiểm tra xem chim cò bị thương hay không. Con nào bị dính bẫy lưới thì gỡ, những con bị bệnh chết thì đem chôn, rảnh thì bà dùng dao phát quang cây bụi cho chim lấy chỗ làm tổ, sinh nở.

Trồng tre dụ cò về làm tổ

Đàn cò bay lượn trên khu rừng của ông Quân. Video: Lê Hoàng

Vợ ông Quân, bà Vi Thị Mai Lam, cho biết gia đình ủng hộ việc chồng dành đất trồng cây, đắp bờ cho chim trời về trú ngụ. “Ông ấy dành cả tâm huyết cho đảo cò, có khi bận rộn chăm cò còn hơn việc nhà…”, bà Lam nói.

Nói về dự định tương lai, ông Quân cho hay sẽ tiếp tục bảo vệ đàn cò và định hướng phát triển nơi đây thành khu du lịch sinh thái gần gũi với thiên nhiên, giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Đánh giá cao mô hình trang trại và hành động bảo vệ các loài chim hoang dã của ông Quân, ông Nguyễn Minh Tấn, Chủ tịch xã Hà Ngọc, cho biết đây là vườn cò duy nhất ở huyện Hà Trung nên rất cần được bảo tồn và nhân rộng. Chính quyền đang xem xét, tạo điều kiện để thành lập khu du lịch sinh thái ở nơi này nhằm phát huy hơn nữa giá trị của vùng đất.

Lê Hoàng


Source link

Xem thêm:  Metro Số 1 Sẽ Chạy Thử vào Ngày 21/12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *