Thành phố chưa triển khai hết 3 gói hỗ trợ trong và sau dịch với số tiền 906 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã tìm được nguồn chi và sẽ sớm thực hiện, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi.
Thông tin này được Chủ tịch UBND TP HCM, Phan Văn Mãi, nêu tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khoá X, chiều 8/12. Đây là lần thứ hai ông Mãi trả lời chất vấn trước HĐND thành phố, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 8 năm ngoái.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đã đặt vấn đề về việc thành phố đã ban hành nhiều chính sách nhân văn sau đại dịch, nhưng kinh phí hỗ trợ cho người dân khó khăn sau đại dịch vẫn chưa được giải quyết. Người dân đang rất mong chờ những thông tin này.
Khi Covid-19 bùng phát vào 2021, TP HCM đã phê duyệt ba gói hỗ trợ cho người gặp khó khăn vì dịch. Gói hỗ trợ đầu tiên trị giá 886 tỷ đồng được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM đề xuất vào đầu tháng 6. TP HCM thông qua gói hỗ trợ lần hai tổng số tiền hơn 900 tỷ đồng vào đầu tháng 8. Gói hỗ trợ thứ ba được TP HCM thông qua hồi cuối tháng 9, với kinh phí 7.300 tỷ đồng, nhằm bổ sung những hộ còn thiếu trong gói thứ hai.
Theo ông Mãi, thành phố đã phát sinh 57 tỷ đồng tiền hỗ trợ cán bộ tham gia chống dịch và UBND đã chỉ đạo thống nhất phương án bổ sung kinh phí. Gói hỗ trợ thứ hai của thành phố đã hoàn thành chi trả cho dân. Tuy nhiên, Sở Tài chính chưa hoàn trả tiền địa phương tạm ứng vì đang chờ quyết toán khoản chi này. Còn gói thứ ba, chủ yếu còn thiếu ở quận Bình Tân và huyện Củ Chi, Bình Chánh, với số tiền khoảng 849 tỷ đồng. Thành phố sẽ sớm chi từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi năm 2021. ”Việc hỗ trợ có chậm nhưng vẫn tiếp tục được thực hiện để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của chính sách”, ông nói.
Đối với việc chậm chi nguồn vốn giảm nghèo năm 2022, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết năm nay dự kiến bố trí 600 tỷ đồng vốn này từ nguồn tăng thu, nhưng đến giờ Sở Tài chính và các cơ quan liên quan vẫn chưa hoàn thành và nỗ lực hoàn tất trong tháng 12. “Đây là việc có chậm, các hộ nghèo rất cần vốn để phát triển sinh kế, tránh phải vay với lãi suất cao. Nhưng thủ tục hành chính còn chậm và sự chỉ đạo chưa kịp thời. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm”, ông nói.
Trước đó, báo cáo HĐND đầu phiên chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết năm 2022, kinh tế – xã hội thành phố phục hồi tốt hơn dự kiến. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự kiến tăng 9,03% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118% dự toán được giao, tăng 17,05% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, ngoài những kết quả tích cực, thành phố vẫn còn “điểm xám” là cải cách hành chính, môi trường đầu tư chưa được cải thiện, nguồn lực phát triển chưa thông suốt cả về vốn đầu tư xã hội và đầu tư công. Cho đến đầu tháng 12, thành phố đã giải ngân được 37,2% vốn đầu tư công, tương đương gần 14.000 tỷ đồng trên hơn 37.400 tỷ đồng được giao.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng thông tin từ đầu quý 4 năm nay, tình hình tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất đều có nhiều biến động. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn về đơn hàng và nguồn vốn. Thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính và cán bộ, công chức, viên chức tái xuất hiện, làm đình trệ công việc.
Về giải pháp, ông Mãi cho biết thành phố sẽ tập trung giải ngân đầu tư công đạt trên 80%; tháo gỡ các vướng mắc trong khả năng của thành phố để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt; triển khai kế hoạch bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là cho công nhân mất việc, giảm thu nhập, các nhóm yếu thế.
Tham khảo: Tin Hành Lang